Trào lưu đính đá vào răng hiện đang làm điên đảo giới trẻ Việt. Theo đó, có rất nhiều bạn trẻ đã không ngần ngại bỏ ra một khoản tiền lớn để thể hiện độ chịu chơi của bản thân.
Theo khảo sát của PV Một Thế Giới, tương tự như đá đính móng tay hoặc móng chân, đá đính trên răng cũng có rất nhiều loại. Với một hột đá nhân tạo đính răng xuất xứ từ Thuỵ Sĩ có giá khoảng 100.000 đồng cho hột 2 ly, 150.000 đồng cho hột 2,5 ly và 200.000 đồng cho hột 3 ly.
Nếu chịu chơi hơn, khách hàng có thể dùng những viên kim cương hoặc đá nha khoa giá khoảng 500.000 đồng/viên đến 1 triệu đồng/viên.
Nếu hầu bao dày hơn nữa, các bạn trẻ có thể sở hữu một viên kim cương tự nhiên, chất lượng cao với giá 3 triệu đến 5 triệu đồng/viên.
Tuy nhiên, đa phần giới trẻ hiện nay thường đính các loại đá có nguồn gốc từ Mỹ và Thái Lan.
Đối với việc đính đá trên răng thì giá cả là một chuyện, vấn đề quan trong khác chính là quy trình đính đá vào răng. Quy trình gắn có thể được miêu tả một cách chung nhất là: tuỳ theo kích thước viên đá quý muốn gắn, khoan một lỗ vừa phải trên răng, sau đó gắn đá bằng một chất liệu keo nha khoa.
Cách thức làm có vẻ đơn giản, tuy nhiên khi thực hiện phải cẩn thận, tỉ mỉ, đúng kĩ thuật thì mới có thể đảm bảo độ bền cho đá cũng như không mất vệ sinh và ảnh hưởng đến sức khoẻ răng miệng.
Trên thực tế đã có rất nhiều trường hợp bị hỏng cả hàm răng khi thực hiện quy trình đính đá này. Bởi lẽ, nhiều cơ sở mở dịch vụ này chạy theo lợi nhuận, nhân viên không được đào tạo cơ bản, thiếu chuyên môn, thiếu trang thiết bị máy móc dẫn đến chất lượng gắn đá vào răng không bảo đảm.
Bên cạnh đó, các bác sĩ nha khoa cũng cho rằng, do quy trình đính đá vào răng sẽ có tác động nhất định đến bộ nhai, vì vậy, cần phải thực hiện ở cơ sở có uy tín với tính chuyên môn cao cộng với những trang thiết bị kỹ thuật hiện đại. Nếu một nha sĩ có kỹ thuật tốt thì việc gắn đá vào răng gần như không hề có vấn đề gì ảnh hưởng đến sức khỏe, nhưng ngược lại, nếu quy trình không đảm bảo thì sẽ mang lại nhiều nguy cơ cho người sử dụng.